*** Y HỌC PHƯƠNG ĐÔNG *** NGUYỄN HƯNG *** HOTLINE : 0945235868 ***

TIỂU KẾ


TIỂU KẾ
( Herba Cephalanoplosís )
Tiểu kế là vị thuốc dùng toàn cây Tiểu kế Cephalonoplos segetum (Bge.) Kitam hoặc cây Tiểu kế Cephalanoplos setosum (Willd) Kitam, thuộc họ Hoa Cúc ( Asteraceae). Cây này theo GS Đỗ tất Lợi thì chưa thấy mọc ở nước ta nhưng lại mọc khắp nơi ở Trung quốc, cả hai miền Nam Bắc nên cần tìm hiểu thêm.
Tiểu kế dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Danh y biệt lục. Bào chế chủ yếu là cắt đoạn rửa sạch phơi khô, đem sao cháy đen ngoài vỏ gọi là than Tiểu kế.
Tiểu kế còn có tên là Miêu kế, Thích kế thái, Thích nhi thái, Thiên châm thảo.
Tính vị qui kinh:
Vị ngọt tính lương. Qui kinh Tâm Can.
  • Sách Nhật hoa tử bản thảo: lương không độc.
  • Sách Bản thảo hội ngôn: vị ngọt hơi đắng, khí hàn, không độc.
  • Sách Bản thảo tùng tân: ngọt đắng lương.
  • Sách Bản thảo thông huyền: nhập Tỳ Can.
  • Sách Bản thảo tân biên: nhập Phế Tỳ.
  • Sách Bản thảo cầu chân: chuyên nhập Can.
Thành phần chủ yếu:
Toàn cây có khoảng 0,05% ancaloit, 1,44% saponozit, không có tanin và flavonoit. Thành phần có tác dụng cầm máu là Lục nguyên toan (?) và acid cafêic.
A.Theo Y học cổ truyền: Tiểu kế có tác dụng lương huyết, chỉ huyết, giải độc tiêu ung. Chữa trị các chứng lạc huyết, nục huyết, thổ huyết, niệu huyết, băng lậu, nhiệt độc sang ung.
Trích đoạn Y văn cổ:
  • Sách Bản thảo thập di: " Phá súc huyết, chỉ tân huyết, tác dụng cầm máu trong các chứng có chảy máu nhiều ồ ạt, lî ra máu, ung nhọt chảy máu, nôn ra máu."
  • Sách Nhật hoa tử bản thảo: " Tiểu kế rễ mát không độc, trị phong nhiệt độc, hung cách phiền muộn, khai vị tiêu thực, thối nhiệt, bổ hư tổn, dùng sống giã lấy nước uống trừ phiền nhiệt, tác dụng kém hơn Đại kế."
  • Sách Đồ kinh bản thảo: " Tiểu kế người Bắc gọi là Thiên châm thảo, giã nát rễ sống vắt nước uống cầm thổ huyết, nục huyết, hạ huyết. Tiểu kế chuyên trị về huyết".
  • Sách Bản thảo hội ngôn: " Đại tiểu kế chỉ có tác dụng cầm máu, không có tác dụng bổ. Người xưa nói: dưỡng tinh bảo huyết bổ hư khai vị là không đáng tin cậy."
  • Sách Y học Trung trung tham lục: " Rễ Tiểu kế tươi, vị hơi cay, khí hơi tanh, tính mát mà nhuận, đi vào phần huyết có tác dụng thanh huyết nhiệt. Phàm các chứng khái huyết, thổ huyết, nục huyết, nhị tiện huyết do nhiệt uống thuốc vào là khỏi."
B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:
1.Tác dụng cầm máu: cho chuột nhắt uống thuốc, thời gian máu chảy rút ngắn rõ. Dùng thuốc nước bơm vào bao tử chuột, cắt đuôi đo thời gian xuất huyết cũng chứng minh thuốc có tác dụng cầm máu.
Thuốc có tác dụng co mạch rút ngắn thời gian máu đông và thời gian prothrombin, dùng thuốc tươi tốt hơn sao thành than.
2.Tác dụng của thuốc đối với huyết áp: nước sắc hoặc nước cồn tiểu kế với liều lượng 70mg/1kg cân nặng chích tĩnh mạch đối với chó, thỏ gây mê có tác dụng tăng áp như adrenalin, nhưng cho bằng đường thụt thuốc vào bao tử thì không có tác dụng tăng áp rõ rệt. Cũng có báo cáo cồn chiết xuất Tiểu kế có tác dụng tăng áp đối với chó mèo và thỏ gây mê.
3.Tác dụng đối với tim mạch: thuốc đối với tim cô lập của ếch và thỏ có tác dụng hưng phấn rõ rệt làm co thắt mạch của tai thỏ và chân chuột lớn.
4.Tác dụng đối với tử cung: Trên thực nghiệm, thuốc có tác dụng hưng phấn tử cung thỏ cô lập hoặc tại thể, có thai hoặc không nhưng đối với tử cung tại thể của mèo và tim cô lập của chuột lớn thì thuốc lại có tác dụng ức chế.
5.Ngoài ra thuốc có tác dụng an thần, kháng viêm và ức chế tụ cầu vàng.
6.Độc tính của thuốc: Mỗi ngày dùng liều lượng 80g/kg thụt bao tử cho chuột lớn trong vòng 14 ngày liền không có phản ứng nhiễm độc.
Ứng dụng lâm sàng:
1.Trị các chứng xuất huyết do nhiệt: như chảy máu cam, nôn ra máu, thuốc có tác dụng cầm máu, dùng phối hợp với Đại kế, Trắc bá diệp, Thuyên thảo căn, Mao căn ... như dùng trong bài Thập khôi tán ( Thập dược thần thư). Trường hợp nôn ra máu, dùng bài Ngẫu tế ẩm tử ( Thái bình thanh huệ phương) có nước chiết rễ Tiểu kế gia nước Ngẫu tiết tươi, nước Ngưu bàng tươi, nước Địa hoàng tươi. Trường hợp trong đàm có máu ( bệnh lao hư nhiệt, dùng bài Tam tiên ẩm ( y học Trung trung tham tây lục) gồm rễ Tiểu kế tươi, rễ tranh tươi và Ngẫu tiết tươi sắc uống. Trị tiểu ra máu có thể dùng độc vị Tiẻu kế hoặc bài Tiểu kế ẩm ( rễ Tiểu kế, Sinh địa hoàng, Hoạt thạch, Mộc thông, Bồ hoàng, Ngẫu tiết, Đạm trúc diệp, Đương qui, Sinh chi tử, Cam thảo ( Trùng đính Nghiêm thị tể sinh phương). Trị băng lậu, dùng thân rễ Tiểu kế và lá nghiền lấy nước, thêm Sinh địa hoàng, Bạch truật sắc uống ( Thiên kim phương). Trường hợp có mang trụy thai xuất huyết. Tiểu kế kết hợp với Ích mẫu thảo sắc uống ( Thần tế tổng lục).
Ngoài ra có thể dùng bài Tiểu kế trị tiêu ra máu và dùng đắp ngoài cầm máu ( Thực liệu bản thảo).
  • Trị chảy máu cam, có thể dùng bông tẩm nước Tiểu kế nhét mũi mỗi ngày thay 3 - 4 lần. Mã thúc Long đã dùng trị chảy máu mũi do phong hủi 34 ca khỏi 70,6% ( 24 ca) cầm máu trong 4 - 14 ngày ( Tạp chí Trung hoa bì phụ khoa 1960, 2:118).
2.Trị chứng xuất huyết sau sinh do tử cung co bóp thiểu năng: dùng cao nước Tiểu kế (1:10) mỗi lần 1 - 3ml, ngày uống 3 lần. Đã theo dõi trị cho 45 ca, tử cung co bóp tốt, hết chảy máu, thường sau khi uống thuốc 2 - 3 ngày, tử cung bình quân co 2 -5cm. Trường hợp chảy máu nhiều có thể uống mỗi lần 4 - 8ml, ngày uống 3 - 4 lần, lúc hết chảy máu dùng liều bình thường. Hoặc dùng toàn cây 60 - 80g sắc chia 2 lần uống ( Thông báo Y dược 1960, 8 (2):79).
3.Phòng trị Kiết lî: Trạm vệ sinh phòng dịch huyện Đại hưng Bắc kinh dùng 100ml thuốc sắc ( có 50g thuốc sống), người lớn mỗi lần uống 50ml, trẻ em giảm liều, uống cách nhật, uống 3 lần, dùng cho những người có tiếp xúc bệnh nhân lî trong 2 - 3 ngày và theo dõi 7 ngày. Kết quả tổ uống Tiểu kế 99 ca đều an toàn, còn tổ đối chứng dùng thuốc trị lî có 5 ca mắc bệnh lî, tỷ lệ phát bệnh 5,20% ( Báo Tân y học 1974, 7:333).
Ngoài ra có báo cáo dùng thuốc Tiểu kế làm thuốc lợi tiểu, hạ áp, trị viêm gan, viêm thận, trĩ, đắp ngoài trị ung nhọt.
Liều dùng và chú ý:
  • Liều uống trong: 10 - 30g. Thuốc tươi dùng 30 - 60g, có thể giã đắp mụn nhọt hoặc vắt nước uống. Đối với mụn nhọt có thể dùng thuốc nấu nước rửa.
  • Thận trọng lúc dùng đối với bệnh nhân dễ tiêu chảy, tỳ vị hư hàn, bệnh nhân yếu.