*** Y HỌC PHƯƠNG ĐÔNG *** NGUYỄN HƯNG *** HOTLINE : 0945235868 ***

HOÀNG TINH


HOÀNG TINH
Tên thuốc: Rhizome polygonati
Tên khoa học: Polygonatum kingianum coll. Et Hemsl
Họ Hành Tỏi (Liliaceae) 
Bộ phận dùng: rễ củ. Củ béo to có đốt ngứa khi chưa chế, không thối nát, sâu mọt. Không nhầm với củ Dong (Maranta arundinacae L). Bột Hoàng tinh trắng, hình thể to nhỏ không đều, vị nhạt, hay làm giả bằng củ Dong..
Tính vị: sau khi bào chế vị ngọt, tính bình.
Quy kinh: Vào kinh Tỳ, Vị, Phế.
Tác dụng: thuốc bổ Tỳ, nhuận Tâm  Phế.
Chủ trị: bồi dưỡng cơ thể, trị phong thấp, đau lưng, mỏi gối.
· Ho do Phế âm hư: Hoàng tinh hợp với Sa sâm, Xuyên bối mẫu và Tri mẫu.
· Thận tinh hư biểu hiện đau lưng, run và nóng ở bàn chân: Hoàng tinh phối hợp với Câu kỷ tử và Nữ trinh tử.
· Khí hư ở Tỳ và Vị biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, mạch yếu vô lực: Hoàng tinh hợp với Ðảng sâm và Bạch truật.
· Khí hư ở Tỳ Vị biểu hiện chán ăn, khô miệng, táo bón, chất lưỡi đỏ không có rêu: Hoàng tinh phối hợp với Sa sâm, Mạch đông và Cốc nha.
·  Tiểu đường: Hoàng tinh phối hợp với Hoàng kỳ, Thiên hoa phấn, Mạch đông và Sinh địa.
Liều dùng: Ngày dùng  12 - 20g, có khi đến 40g.
Cách bào chế:
Theo Trung Y: Mới đào lên rửa sạch, đồ kỹ một đêm, thái mỏng phơi khô dùng. Có thuyết nói phải cửu chưng, cửu sái; nếu chưa chế thì gây ngứa cổ Họng.
Theo kinh nghiệm Việt Nam: Có 4 Cách Bào chế:
- Cách thứ nhất: nếu mới thu hái thì rửa sạch, cho vào  nồi đổ ngập nước, đun sôi độ 1/2 giờ, đổ bỏ nước này đi để tránh gây ngứa. Thường khi thu mua đã làm qua cách chế biến này để dễ bảo quản .
+ Đổ nước sôi khác vào  cho ngập quá 5 - 6cm, đun cho đến khi gần cạn (dưới đặt một cái vỉ để tránh củ bị cháy khét), phơi ráo (tránh phơi nắng), lấy nước còn lại tẩm rồi phơi nhiều lần cho đến khi hết nước và củ không dính tay.
+ Sau đó, cho củ hoàng tinh nói trên  vào  một cái cóng bằng đồng hay nhôm không đậy nắp; đặt cái cóng này vào  nồi nước đầy 2/3, đậy vung lại, đun cách thuỷ. Hơi trước trong nồi đọng lại và rơi vào  cóng. Đun như vậy trong 6 - 8 giờ, thỉnh thoảng tiếp nước sôi. Lấy củ Hoàng tinh ra phơi khô; lấy nước trong cóng tẩm phơi cho đến hết. Cuối cùng phơi đến không dính tay là được.
- Cách thứ hai: đem củ Hoàng tinh rửa sạch, ngâm nước một đêm, bỏ nước này đi (nếu là thứ chưa luộc qua). Cho vào một cái nồi trong đó có mật mía pha loãng và ít gừng (cứ 1kg Hoàng tinh dùng 250ml mật, 250ml nước và 25g gừng giã dập). Đun cho đến khi gần cạn hết nước mật còn lại tẩm phơi cho đến hết. Sau đó, đem đồ rồi phơi, làm như vậy chín lần.
- Cách thứ ba: làm như cách thứ hai nhưng thay mật bằng đỗ đen, đổ cho ngập nước. Đun kỹ cho gần cạn rồi làm như trên.
- Cách thứ tư: lấy củ Hoàng tinh tươi, rửa kỹ cho thật sạch, thái nhỏ rồi giã nát, ngâm với nước một ngày, thỉnh thoảng lại nhào, hôm sau quấy nhẹ lên, gạn lấy nước, để lắng thay Vào   đó nước khác rồi lại làm như hôm trước, như vậy đủ chín lần. Nước để lắng được thì gạn lấy bột, phơi khô.
Bảo quản: Củ Hoàng tinh sau khi bào chế thì đen, ruột còn hồng nâu, đen thẫm như thục địa thì không tốt, củ mềm dẻo, cầm không dính tay, ngọt.
Bột Hoàng tinh trắng, nhạt.
Cả hai thứ đều để nơi khô ráo. Nếu củ Hoàng tinh bào chế bị mốc thì phun rượu, lau sạch đồ lại rồi sấy khô.
Kiêng ky: bệnh cảm cúm không nên dùng.