*** Y HỌC PHƯƠNG ĐÔNG *** NGUYỄN HƯNG *** HOTLINE : 0945235868 ***

ĐẠI KẾ


ĐẠI KẾ
(Herba seu Radix Cirsii Japonici)
Còn gọi là Ô rô, Thích kế, Thiết thích ngãi, Dã thích thái, Thích khải tư, Hồ kế, Mã kế, Dã hồng hoa, Sơn ngưu bàng, Hê hạng thảo.
Đại kế dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách " Danh y biệt lục". Bộ phận dùng làm thuốc là toàn cây bao gồm thân, cành, lá, cụm hoa và rễ. Đại kế là một loài cỏ sống lâu năm, mọc hoang khắp miền Bắc và miền Trung nước ta, nhiều tỉnh ở Trung quốc và Nhật bản.
Tính vị và qui kinh:
  • Vị ngọt đắng, tính mát. Qui kinh tâm can.
  • Sách Danh y biệt lục: rễ vị ngọt, ôn.
  • Sách Nhật hoa tử bản thảo: Lá tính mát.
  • Sách Bản thảo hội ngôn: Vị ngọt hơi đắng, khí hàn, không độc.
  • Sách Trấn nam bản thảo: nhập Can Tỳ Thận.
  • Sách Bản thảo tân biên: nhập Phế Tỳ.
  • Sách Bản thảo cầu chân: nhập Can.
Thành phần chủ yếu:
Có alkloid, tinh dầu, taraxasteryl, acetate, stigmasterol, alpha amyrin beta-amyrin, beta-sitosterol, pectolinarin.
Tác dụng dược lý:
A.Theo Y học cổ truyền:
Thuốc có tác dụng lương huyết chỉ huyết, tán ứ tiêu ung.
Chủ trị các chứng: lạc huyết, nục huyết, băng lậu, niệu huyết,. Nói chung là các chứng huyết do nhiệt gây nên.
Trích đoạn Y văn cổ:
  • Sách Danh y biệt lục: " chủ dưỡng tinh bảo huyết. Chủ trị nữ tử xích bạch đới, an thai, cầm thổ huyết, chảy máu cam, làm cho con người mập khỏe".
  • Sách Dược tinh bản thảo: " rễ cầm băng huyết".
  • Sách Tân tu bản thảo: " Đại tiểu kế đều có thể phá huyết nhưng Đại kế kiêm trị nhọt sưng ( ung thũng) còn Tiểu kế chuyên trị chứng huyết, không tiêu ung".
  • Sách Nhật hoa tử bản thảo: " Lá trị trường ung, tạng phủ trong bụng ứ huyết, chấn thương chảy máu, có thể uống sống với rượu và nước tiểu, á sưng lỡ lói giã với muối đắp ngoài".
  • Sách Đồ kinh bản thảo: " Rễ của Đại kế phá huyết trị ung nhọt".
  • Sách Trấn nam bản thảo: " Thuốc tiêu ứ huyết, sinh tân huyết, cầm nục huyết. Trị trẻ em tiểu ra máu, đàn bà băng huyết, dùng sống bổ huyết các đường kinh, tiêu sang độc, tán loa lịch kết hạch, ung nhọt lâu ngày không lành miệng, sinh cơ bài nùng".
  • Sách Bản thảo kinh sơ ( tập 9): " Rễ Đại kế không độc, trị nữ tử xích bạch ốc do huyết nhiệt, nhiệt khiến thai động, huyết nhiệt lộng hành, sinh nục huyết, thổ huyết. Rễ Đại kế lương huyết, huyết nhiệt được giải thì các chứng khỏi".
  • Sách Bản thảo chính nghĩa: " Nhị kế đều có tác dụng tan ứ là chính. Rễ Đại kế cầm thổ huyết, chảy máu cam".
B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:
  • Nước thuốc ngâm kiệt rượu cồn và nước đều có tác dụng hạ áp trên chó mèo và thỏ thực nghiệm.
  • Rễ Đại kế sắc nước hoặc toàn cây cất lấy nước với nồng độ 1:4.000, ngâm cồn với nồng độ 1:30.000 đều có tác dụng ức chế trực khuẩn bạch hầu 100% dịch rễ tươi hoặc lá tươi đều có tác dụng ức chế liên cầu khuẩn A, trực khuẩn lî Flexner.
Ứng dụng lâm sàng:
1.Trị các loại xuất huyết: như chảy máu cam, thổ huyết, tiểu ra máu, đàn bà băng lậu ...dùng các bài:
  • Đại kế toàn cây 60 - 100g ( hoặc dùng rễ 40 - 60g) sắc uống trị thổ huyết, áp xe, phổi ra máu mủ thối.
  • Thập khôi tán ( Thập dược thần thư) gồm: Đại kế, Tiểu kế, Trắc bá di hà diệp, Thuyên thảo, Mao căn, Sơn chi, Đơn bì, Tông lữ bì, Đại hoàng lượng bằng nhau đốt tồn tính tán bột mịn, mỗi lần uống 10 -15g, ngày 2 lần với nước nguội. Trị thổ huyết tốt.
  • Triệu vĩ Bằng dùng Viên Đại kế ( Đại kế chế với nước gừng, mỗi viên có 15g thuốc sống) trị các loại tiểu ra máu 35 ca, ngày uống 3 lần, mỗi lần 3 - 4 viên, dùng trong 2 tuần, kết quả hết tiểu ra máu 74,3% ( Tạp chí Tiết niệu ngoại khoa Trung hoa 1982, 3 (4):287).
2.Trị các chứng mụn nhọt lở: thuốc có tác dụng tán ứ tiêu sưng.
  • Thuyên thảo, Địa du, Ngưu tất đều 10g, Kim ngân hoa sắc nước, Lá Ô rô tươi 30 - 40g giã vắt nước trộn với thuốc uống.
  • Dùng cả cây tươi lượng vừa đủ giã nát đắp ngoài.
3.Trị huyết áp cao: Đỗ tích Đức dùng viên rễ và viên lá Ô rô trị 102 ca huyết áp cao; 72 ca dùng viên rễ kết quả tốt 17 ca, có kết quả 45 ca, không kết quả 10 ca, tỷ lệ có kết quả 86,1%. Viên lá trị 30 ca, kết quả tốt 5 ca, có kết quả 10 ca, không kết quả 15 ca, tỷ lệ kết quả 50% ( Tập nghiên cứu thành phần trung dược 1982,8:36).
  • Trị xơ cứng vùng tiêm: Phan thúc Mẫn dùng bột Đại kế và bột theo tỷ lệ 1:1 trộn đều gia nước đủ thành hồ đặc đắp lên vùng tiêm 6 - 8giờ thay 1 lần, ngày đắp 2 lần, theo dõi 500 ca đều tốt, nhanh 2 - 3 lần, chậm 6 - 8 lần, trung bình 3 - 5 lần, tổ chức xơ cũng mềm và hết đau ( Tạp chí Y Học thực dụng 1985, 1 (2):40)
Liều dùng và chú ý:
  • Liều dùng: uống từ 10 đến 15g, liều cao có thể dùng 30g. Thuốc tươi dùng 30 - 60g, dùng ngoài không hạn chế. Dùng ngoài có thể dùng bột trộn mật ong đắp. Dùng tươi giã nát đắp hoặc vắt nước đắp có tác dụng tốt hơn khô. Thuốc sao cháy có tác dụng thu liễm, cầm máu.
  • Trị cao huyết áp dùng rễ tốt hơn, dùng độc vị hoặc phối hợp với Hạ khô thảo, Hi thiêm thảo.
  • Thận trọng lúc dùng với bệnh nhân tỳ vị hư hàn.