*** Y HỌC PHƯƠNG ĐÔNG *** NGUYỄN HƯNG *** HOTLINE : 0945235868 ***

THUỐC GIẢI BIỂU


THUỐC GIẢI BIỂU
Thuốc giải biểu cũng gọi là thuốc giải cảm, là những vị thuốc dùng trị các chứng ngoại cảm ở giai đoạn đầu của bệnh có những triệu chứng của chứng biểu như sốt gai rét, đau đầu, đau mình mẩy, hắt hơi, sổ mũi, rêu lưỡi mỏng, mạch phù.
Thuốc giải biểu tùy theo tính năng và tác dụng điều trị thường chia làm 2 loại: Tân ôn giải biểu và tân lương giải biểu.
  • Thuốc tân ôn giải biểu: có tính vị thường cay ấm, có tác dụng phát tán phong hàn, chủ trị chứng ngoại cảm phong hàn (thường có các triệu chứng: sốt nhẹ nhưng gai rét, đau đầu nặng, không có mồ hôi, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù khẩn).
  • Thuốc tân lương giải biểu: có tính vị cay mát, có tác dụng phát tán phong nhiệt, chủ trị chứng ngoại cảm phong nhiệt (thường có các triệu chứng: sốt, hơi sợ gió lạnh, họng khô, mồm khát, rêu lưỡi mỏng vàng, mạch phù sác).
Trong trường hợp cơ thể suy nhược lúc dùng thuốc giải biểu cần chú ý gia thêm các loại thuốc trợ dương, ích khí, tư âm để phò chính khu tà. Dùng thuốc tân lương giải biểu thường nên phối hợp với các loại thuốc thanh nhiệt giải độc thì tác dụng tốt hơn.
Theo kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại, thuốc giải biểu có những tác dụng như sau:
  1. Đại bộ phận thuốc có tác dụng hạ nhiệt làm ra mồ hôi, như: Quế chi, lá Tía tô, Kinh giới, Phòng phong, Cát căn, Sài hồ, Ngưu bàng tử, Thuyền thoái, Mạn kinh tử, Phù bình, Cúc hoa, Bạc hà.
  2. Phần lớn các vị thuốc có tác dụng kháng khuẩn như: Quế chi, Tô tử, Kinh giới, Phòng phong, Khương hoạt, Bạch chỉ, Cao bản, Thương nhĩ tử, Tân di, Thông bạch(Hành), Cúc hoa, Cát căn, Thăng ma, Sài hồ, Bạc hà, Ngưu bàng tử. Một số có tác dụng ức chế vi rút như: Ma hoàng, Sài hồ, Quế chi, có tác dụng ức chế vi rút cúm.
  3. Tác dụng hạ đường huyết như: Tang diệp, Cát căn.
  4. Tác dụng lợi tiểu như: Ma hoàng, Phù bình, Ngưu bàng tử, Hương nhu.
  5. Tăng lưu lượng máu mạch vành, cải thiện tình hình thiếu máu cơ tim như: Cát căn, Cúc hoa.
  6. Chống co thắt cơ trơn như: Cát căn, Kinh giới, Ma hoàng.
  7. Có tác dụng giảm đau như: Cảo bản, Sài hồ, Mạn kinh tử, Bạch chỉ.
  8. Tác dụng kích thích tiêu hóa như: Quế chi, Đạm đậu xị, Gừng tươi.
  9. Giải độc rắn có Bạch chỉ.
Chú ý lúc dùng thuốc Giải biểu:
  • Thuốc không được sắc lâu, sôi độ 15-20 phút là đem uống (vì phần lớn thuốc có tinh dầu). Nếu thuốc được dùng phối hợp trong một thang thuốc lúc sắc thuốc phải cho vào sau, khoảng 15-20 phút trước lúc ngưng sắc.
  • Thuốc giải biểu không được dùng lâu, thầy thuốc chỉ cho 1-2 thang, nếu bệnh bớt cũng phải thay đổi thuốc hoặc gia giảm.
  • Đối với thuốc Tân ôn giải biểu chữa chứng Phong hàn, bệnh nhân cần uống thuốc còn nóng, trường hợp ra mồ hôi nhiều phải ngưng thuốc. Thuốc Tân ôn giải biểu có thể dùng xông ra mồ hôi. Sau khi uống thuốc hoặc xông ra mồ hôi nên cho bệnh nhân ăn cháo gạo nóng thêm ít hành, giúp tăng tác dụng Phát tán phong hàn.
  • Trường hợp người lớn tuổi, trẻ em cơ thể suy nhược, phụ nữ có thai, lúc dùng thuốc giải biểu cần chú ý từng bệnh nhân cụ thể mà cho thêm thuốc Tư âm, trợ dương, ích khí dưỡng huyết.
Thuốc giải biểu tùy theo tính năng và tác dụng của thuốc (Phát tán phong hàn hay phong nhiệt) mà chia thành 2 loại thuốc: Tân ôn giải biểu và Tân lương giải biểu.