*** Y HỌC PHƯƠNG ĐÔNG *** NGUYỄN HƯNG *** HOTLINE : 0945235868 ***

BIỂU VÀ LÝ


BIỂU VÀ LÝ

Biểu và lý là chỉ bệnh biến ở vùng nông hay sâu, và bệnh tình nặng hay nhẹ. Nhất loạt bệnh ở cơ biểu thuộc biểu, bệnh tình nhẹ mà vùng bệnh ở nông. Bệnh ở tạng phủ thuộc lý, bệnh tình nặng và nơi có bệnh ở sâu.
A. Biểu chứng
Thường thấy ở thời kỳ đầu của bệnh ngoại cảm, biểu hiện lâm sàng chủ yếu là phát sốt sợ lạnh (hoặc sợ gió), đau đầu, tứ chi buốt đau, mũi tắc, ho nhẹ, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù, trong đó có phát sốt, sợ lạnh, mạch phù là đặc trưng của biểu chứng.
Biểu chứng có chia ra biểu hàn, biểu nhiệt, biểu hư, biểu thực:

·         Sợ lạnh nặng, phát sốt nhẹ, mạch phù khẩn là biểu hàn chứng, chữa thì dùng tân ôn giải biểu.
·         Sợ lạnh nhẹ, phát sốt nặng, mạch phù sác gọi là biểu nhiệt chứng, chữa thì dùng tân lương giải biểu.
·         Biểu chứng không có mồ hôi, gọi là biểu thực, chữa thì dùng thuốc phát biểu rất mạnh.
·         Biểu chứng nhiều mồ hôi, gọi là biểu hư, không thể dùng quá nhiều thuốc phát biểu.
Người già, người thể yếu mà có biểu chứng, phải đồng thời với giải biểu là chú ý phù chính.
B. Lý chứng
Thường thấy ở thời kỳ giữa và thời kỳ cực thịnh của các loại ngoại cảm, lúc đó biểu chứng đã giải, bệnh tà chuyển vào lý, chồng lên (lũy) đến tạng phủ. Mặt khác, các loại bệnh nội thương đều là lý chứng. Biểu hiện lâm sàng của lý chứng là nhiều loại, nhiều dạng, không những có các phần hàn, nhiệt, hư, thực mà còn do các tạng phủ khác nhau dẫn đến, biểu hiện cụ thể của cái đó đã đem trình bày trong tạng phủ biện chứng luận trị và ôn nhiệt bệnh biện chứng luận trị.
Lý chứng nhất loạt không sợ gió, không sợ lạnh, mạch tượng nhất loạt là mạch trầm, chất lưỡi thường có cải biến, rêu lưỡi thường vàng hoặc đen.
Như mới bắt đầu viêm phổi, có các chứng sợ lạnh phát sốt, đau đầu, đau mình, mạch phù sác thuộc về biểu chứng. Nếu bệnh tình phát triển, người bệnh xuất hiện sốt cao, mặt đỏ, không sợ lạnh, miệng khát, ngực đau, ho dữ dội, mửa ra đờm có màu rỉ sắt, vật vã (phiền thao), lưỡi hồng, rêu lưỡi vàng, mạch hồng sác là chứng của phế nhiệt, đó là thuộc lý chứng.
Lý chứng không những có lý hàn, lý nhiệt, lý hư, lý thực mà khi bệnh biến phức tạp, lại cần phân riêng ra hư hàn, mà lại là hàn thực, là hư nhiệt mà lại là thực nhiệt. Cái đó ở các chương dưới sẽ chia ra trình bày rõ.
Ngoài ra, bệnh không tại biểu, cũng không ở lý, nằm gọn giữa biểu và lý, gọi là bán biểu bán lý chứng. Chứng trạng chủ yếu của nó là hàn nhiệt vãng lai, chữa thì dùng phép hòa giải.
C. Biểu lý đồng bệnh
Biểu và lý có khi cùng bị bệnh một lúc. Như thời kỳ đầu của chứng cấp tính khuẩn lỵ, đã có đau bụng, đại tiện mủ máu, miệng khát, rêu lưỡi vàng trắng là chứng trạng của lý chứng, lại có sợ lạnh phát sốt, tứ chi buốt đau, mạch phù sác là chứng trạng của biểu chứng, đó gọi là biểu lý đồng bệnh. Biểu lý đồng bệnh thường thấy ở 2 loại tình hình, một là: Bệnh ngoại cảm mà biểu chứng, chua giải, tà đã chuyển vào lý; hai là vốn có bệnh nội thương, lại mới bị bệnh ngoại cảm. Cái trước, nên giải cả biểu và lý một lúc (song giải), cái sau, phải trị trước bệnh ngoại cảm mới mắc.
Yếu điểm để phân biệt biểu chứng và lý chứng:
 Nhất loạt bệnh sốt chủ yếu phải phân biệt rõ phát sốt là không kèm hay có kem sợ lạnh, chất lưỡi là nhạt hay là hồng, mạch tượng là phù hay là trầm. Phát sốt không sợ lạnh, lưỡi hồng, rêu lưỡi vàng, mạch trầm (hoặc sác), thuộc lý chứng.