*** Y HỌC PHƯƠNG ĐÔNG *** NGUYỄN HƯNG *** HOTLINE : 0945235868 ***

THUỐC HOẠT HUYẾT


THUỐC HOẠT HUYẾT
Thuốc hoạt huyết hóa ứ cũng gọi là thuốc hoạt huyết theo Y học cổ truyền là những loại thuốc có tác dụng thông lợi huyết mạch, làm tiêu tán huyết ứ trệ trong kinh mạch. Tùy theo mức độ tác dụng của thuốc mà có thể chia ra loại hoạt huyết hóa ứ và loại phá huyết trục ứ.
Thuốc hoạt huyết hóa ứ thường tính ôn, vị cay đắng, cho nên thuốc có tác dụng hành huyết tán ứ thông kinh lạc, lợi tý định thống. Thuốc được dùng để trị các chứng bệnh có những triệu chứng như:
  1. Mình mẩy đau nhức, đau không di chuyển.
  2. Chân tay tê dại.
  3. Bên trong hoặc bên ngoài cơ thể có khối u do huyết ứ.
  4. Chấn thương ngoại khoa gây huyết tụ.
  5. Da niêm mạc, lưỡi có điểm ứ huyết.
  6. Nhiều loại bệnh nội ngoại khoa có triệu chứng ứ huyết như đau bụng kinh, tắt kinh, đau bụng sau sanh, đau ngực, thiếu máu cơ tim, thấp khớp, ung nhọt, gãy xương, sỏi tiết niệu... Thường tùy nguyên nhân gây huyết ứ mà dùng thuốc hoạt huyết kết hợp với nhiều loại thuốc khác như nếu do hàn ngưng gây huyết ứ thì phối hợp với thuốc ôn để tán hàn như: Quế, Gừng khô, Tế tân, Phụ tử. Nếu đau do phong thấp tý thì kết hợp với thuốc trừ phong thấp như Khương hoạt, Độc hoạt, Tần giao, Uy linh tiên, Tang chi... Nếu do nhiệt làm tổn thương doanh huyết thì kết hợp với thuốc thanh nhiệt lương huyết như : Đan bì, Xích thược, Đan sâm...Nếu trường hợp khí trệ gây huyết ứ thì kết hợp với thuốc hành khí như: Thanh bì, Trần bì, Hương phụ, Ô dược... Trường hợp có khối u gia thêm các vị thuốc hóa đàm nhuyễn kiên như: Bối mẫu, Côn bố, Hải tảo, Mẫu lệ ... Trường hợp kèm theo các chứng hư thì cần gia thêm các loại thuốc bổ khí, bổ huyết, bổ âm, bổ dương...
Thuốc hoạt huyết không nên dùng đối với phụ nữ kinh nguyệt kéo dài và phụ nữ có thai.
Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy thuốc hoạt huyết có tác dụng như sau:
1.Đối với hệ tim mạch:
  1. Thuốc làm giãn mạch: Nhiều loại thuốc hoạt huyết có tác dụng khác nhau đối với các loại mạch máu ở vị trí khác nhau như: Hồng hoa, Đan sâm, Xuyên khung, Tam thất, Kê huyết đằng... có tác dụng làm giãn động mạch vành. Xuyên khung có thể làm giãn động mạch não. Xuyên sơn giáp, Thủy điệt, Ích mẫu thảo, chích vào động mạch có tác dụng giãn mạch. Xích thược, Đào nhân, Đan sâm có tác dụng giãn tĩnh mạch. Cơ chế tác dụng giãn mạch của từng loại thuốc cũng khác nhau hoặc tác dụng trực tiếp lên thành mạch hoặc thông qua cơ chế thần kinh thể dịch ( như hưng phấn acetylcholin hoặc thụ thể histamin).
  2. Cải thiện vi tuần hoàn: nhiều bệnh nhân mắc bệnh động mạch vành điều trị bằng bài Quân tâm mạch số 1 ( Hồng hoa, Xích thược, Đan sâm, Giáng hương) nhận thấy lưu lượng vi tuần hoàn tăng nhanh, ngưng tập của tế bào máu giảm. Đan sâm ngoài tác dụng tăng lưu lượng vi tuần hoàn và làm giảm độ ngưng tập máu còn làm giảm độ dính của máu và làm số lượng mao mạch hoạt động.
  3. Trên thực nghiệm: thuốc có tác dụng phòng trị thiếu máu cơ tim và nhồi máu cơ tim. Phức phương Đơn sâm ( Đơn sâm, Giáng hương) trị được nhồi máu cơ tim thực nghiệm, làm giảm tăng cao của SGOT, làm cho tăng hấp thu các tổ chức hoại tử, kích thích tổ chức hạt hình thành, làm tăng tác dụng tái sinh của cơ tim. Xuyên khung, Hồng hoa, Xích thược, Đơn sâm trên thực nghiệm có tác dụng phòng thiếu máu cơ tim do thùy sau tuyến yên gây nên.
2.Đối với hệ thống huyết dịch:
  1. Tác dụng chống đông máu: Như nước sắc Đơn sâm, glucoxit Xích thược.
  2. Ức chế ngưng tập tiểu cầu: Chất chiết xuất của Hồng hoa, Xuyên khung có tác dụng ức chế ngưng tập tiểu cầu.
  3. Tăng hoạt tính dung giải của fibrinogen: trong máu như bài Quan tâm mạch số 1, Hoàng sắc tố Hồng hoa.
  4. Ức chế hình thành huyết khối: như Xuyên khung, Xích thược, Đơn sâm, Hồng hoa.
  5. Tăng tốc độ lưu thông vi tuần hoàn: như Đơn sâm, Xuyên khung, Hồng hoa, Diên hồ sách..
3.Aûnh hưởng của thuốc đối với chuyển hóa:
  1. Đối với chuyển hóa của mô liên kết: Thuốc hoạt huyết hóa ứ chủ yếu tác dụng đến sự hợp thành và phân giải của tổ chức liên kết. Thuốc có thể làm vết sẹo ổn định hoặc làm mềm các tổ chức xơ cứng, gia tăng sự hình thành chất collagen.
  2. Đối với chuyển hóa mỡ: Các chất Uất kim, Hồng hoa, Khương hoàng, Đơn sâm, Bồ hoàng và Quan tâm mạch số 1 đều có tác dụng giảm mỡ trong máu với mức độ khác nhau.
  3. Đối với chuyển hóa nitrogenium: Thuốc có tác dụng tăng sự hợp thành và làm giảm sự phân giải nitrogenium có lợi cho sự lành các vết thương.
4.Có tác dụng nhất định đối với hệ miễn dịch:
  1. Tác dụng ức chế: Miễn dịch như bài thuốc hoạt huyết hóa ứ gồm Ích mẫu thảo, Đương qui vĩ, Xuyên khung .phòng được chứng dung huyết sơ sinh thể ABO có tác dụng ức chế miễn dịch, ức chế sự hình thành kháng thể, ức chế IgG.
  2. Tác dụng tăng miễn dịch: Bài thuốc gồm các vị Đơn sâm, Xích thược, Đào nhân, Tam lăng, Nga truật làm tăng tác dụng thực bào của đại cực bào, tăng hệ thống tế bào lưới ( tế bào võng mạc ).
5.Tác dụng chống ung thư:Nhiều loại thuốc hoạt huyết như: Xuyên khung, Nga truật, Hồng hoa, Uất kim, Diên hồ sách, Nhũ hương, Một dược, Đơn sâm, Tam lăng, Thủy điệt làm thực nghiệm trên súc vật có tác dụng ức chế tế bào ung thư. Độc vị Nga truật có tác dụng điều trị ung thư cổ tử cung.6.Tác dụng giảm đau, tiêu đờm, chống nhiễm khuẩn:Đơn sâm, Nhũ hương, Một dược, Diên hồ sách, Uất kim, Ngũ linh chi có tác dụng trực tiếp đến hệ thống thần kinh làm giảm đau và an thần. Nhiều loại thuốc hoạt huyết có tác dụng kháng khuẩn như Xuyên khung có tác dụng ức chế với trực khuẩn lî Sonner và trực khuẩn thương hàn; Đơn sâm, Xích thược, Xuyên khung ức chế tụ cầu khuẩn vàng, trực khuẩn đại tràng, vi rút với mức độ khác nhau..