*** Y HỌC PHƯƠNG ĐÔNG *** NGUYỄN HƯNG *** HOTLINE : 0945235868 ***

NHA ĐẢM TỬ


NHA ĐẢM TỬ
(Fructus Brucae Javamiceae)
Còn có tên là cây Cứt dê, Khổ sâm cho hạt, Sầu đâu rừng, Sầu đâu cứt chuột, Xoan rừng, Cứt cò (Vĩnh linh), Hạt bỉnh (Nghệ an), Khổ luyện tử.
Bộ phận làm thuốc là quả chín phơi khô của cây Sầu đâu rừng (Brucea Javanica (L) Merr) thuộc họ Thanh thất (Simarubaceae).
Vị thuốc được ghi đầu tiên trong sách " Bản thảo cương mục thập di tập V." còn có tên Khổ sâm tử.
Tính vị qui kinh:
Vị đắng tính hàn, qui kinh Can và Đại tràng.
Theo tài liệu cổ:
  • Sách Y học Trung trung tham tây lục: vị rất đắng, tính lương.
  • Sách Bản thảo chính nghĩa: đại khổ, đại hàn.
Thành phần chủ yếu:
+ Theo sách Đỗ tất Lợi, trong quả Nha đảm tử có 23% dầu (hoặc 50%, nếu chỉ tính đối với nhân), dầu lỏng màu trắng, có chất glucozit gọi là Kosamin, chất tanin, chất men có thể là men thủy phân, amydalin, chất quassin và một chất saponin.
+ Theo sách Ứng dụng lâm sàng Trung dược: Nha đảm tử có Nha đảm tử tinh thể I (C12H1605), tinh thể II (C10H16O5), tinh thể III (C17H34O2), glucozit Nha đảm tử (C20H32O9). (theo tài liệu nghiên cứu công thức hóa học của glucozit Nha đảm tử đăng trong " Học báo hóa học" 28(2):96-99;1962) và dầu Nha đảm tử.
+ Theo sách Trung dược học thì thành phần chủ yếu của Nha đảm tử là chất Khổ vị tố, trong đó phân ra được 9 loại đơn thể gọi là Nha đảm tử khổ tố A,B,C, D, E, F, G,. glucozit và lượng lớn dầu Nha đảm tử (hàm lượng 36, 8 - 56,2).
+ Theo sách Dược liệu (Nhà xuất bản Y học 1985): thành phần gồm có chất dầu (55%) và các chất thuộc nhóm simarubolit.
Tác dụng dưọc lý:
  1. Tác dụng diệt amip dạng hoạt động (nguyên trùng), in vitro và in vivo đều có tác dụng. Nhưng đối với lî mạn tính và lî trực khuẩn tác dụng kém hơn. Thuốc có tác dụng tẩy giun đũa, giun móc, sán, hấp huyết trùng, trùng roi trichomonas.
  2. Tác dụng chống sốt rét: Trên súc vật thực nghiệm, thuốc có tác dụng ức chế sự sinh trưởng của nguyên trùng sốt rét trong gà.
  3. Tác dụng kháng virut: Thuốc có tác dụng ức chế virut cúm típ A PR8.
  4. Tác dụng chống tế bào ung thư.
  5. Nha đảm tử tương đối độc, độc tính chủ yếu là phần đắng hòa tan trong nước. Liều dùng 50 của nước sắc là 0,48g/kg. Thuốc dùng ngoài da dễ gây phản ứng, tại chỗ mạnh ở da và niêm mạc. Thuốc uống thường gây đau bụng, khó chịu, nôn, buồn nôn, tiêu chảy, đầy bụng, váng đầu, rã rời chân tay. Tỷ lệ gây nhiễm độc thuốc khoảng 78,3%, còn có thể gây xung huyết nội tạng và xuất huyết, rối loạn hô hấp, khó thở. Thời gian dùng thuốc kéo dài có tích lũy độc. Không nên dùng với người có bệnh đường ruột, chức năng gan thận giảm, phụ nữ có thai và trẻ em.
Ứng dụng lâm sàng:
1.Trị lî amíp cấp: dùng Nha đảm tử 12 cái bọc nhựa chia 3 lần uống trong ngày, đồng thời dùng 20 hạt ngâm trong 200ml nước sau 2 giờ ( ngâm vào 200ml dung dịch 1% natri bicacbonat sau 1 giờ đến 2 giờ thụt rửa đại tràng, mỗi ngày 1 lần, 10 ngày là một liệu trình. Trị 65 ca, kết quả trước mắt 94% (Tạp chí Trung y 1956,1:6).
2.Trị sốt rét: dùng Nha đảm tử nhân đã khử dầu tán nát, mỗi lần 12 hạt viên bọc nhựa, ngày uống 3 lần, uống trước bữa ăn, đã chữa 27 ca kết quả tốt (Báo Y dược học 1952,1:28). Có tác dụng đối với các loại ký sinh trùng sốt rét, đối với loại cách nhật là tốt hơn cả. Có tác giả báo cáo kết quả chống sốt rét không chắc chắn, hiện ít dùng.
Theo GS Đỗ tất Lợi để chữa sốt rét ngày uống 3 lần, mỗi lần uống 1g quả sau bữa ăn. Uống liều 4 - 5 bgày. Phụ nữ có thai vẫn dùng được.
3.Trị mụn cóc: dùng nhân Nha đảm tử tiệt trùng bằng cao áp nghiền nhỏ đắp (trước khi đắp nên rửa bằng cồn hoặc cồn iod, dùng dao vô trùng rạch nhẹ da chảy tí máu), dán băng kín kiêng nước, sau 8 ngày mở ra, nếu chưa rụng bôi cao mềm acid boric, đã trị khỏi 200 ca không để sẹo (Tạp chí trung hoa bì phu khoa 1957,4:360).
4.Trị nốt ruồi: dùng Nha đảm tử cả vỏ (lượng 3 - 5g giã nát vụn bỏ vào lọ, cho vào một dung tích cồn 75% bằng lượng thuốc ngâm một ngày đêm, thuốc thấm với tăm bông bôi vào nốt ruồi, ngày 2 - 3 lần, kết quả tốt (Trung dược thông báo 1986,9:59).
5.Trị chai chân: dùng 11 - 13 nhân Nha đảm tử giã nát trộn với 1,5g bột Salicylate cho đều, cho thuốc vào băng keo, cắt thủng 1 lỗ bằng vùng bị chai một miếng băng keo khác dán lên chỗ chai rồi dán thuốc vào, cứ 10 ngày thay một lần, đã trị 2040 ca kết quả đều tốt (Tạp chí Trung y Triết giang 1984,4:166).
6.Trị ung thư: dùng dầu Nha đảm tử chế thành thuốc tiêm tĩnh mạch đã thử nghiệm dược lý trên cơ thể nhận thấy thuốc có tác dụng đối kháng với nhiều loại tế bào ung thư. Theo kết quả báo cáo của 16 đơn vị đã dùng trị 388 ca ung thư thời kỳ giữa và cuối, tỷ lệ có kết quả 71,6%. Đối với ung thư thực quản, dạ dày, trực tràng, cổ tử cung có kết quả nhất định, đối với ung thư phổi đã di căn lên não có tác dụng kéo dài tuổi thọ. Thuốc còn có tác dụng miễn dịch và làm tăng tế bào bạch cầu (Trung quốc y dược báo 1985).
Liều lượng thường dùng và cách dùng:
  1. Theo sách Trung dược học: Mỗi lần 10 - 15 hạt (trị sốt rét), 10 - 30 hạt (trị lî), hoặc 1,5 - 2,0g bỏ vỏ dùng nhân. Thuốc rất đắng không nên cho vào thuốc sắc mà cho vào bọc nhựa uống. Hoặc ép bỏ dầu chế thành hoàn hoặc viên. Dùng ngoài tùy yêu cầu. Liều trẻ em 1 hạt cho mỗi tuổi.
  2. Thuốc gây kích ứng dạ dày và ruột, hại gan thận, bệnh khỏi nên ngưng thuốc ngay, không được kéo dài. Không nên dùng đối với bệnh nhân mắc bệnh gan, thận, có tiền sử chảy máu ruột dạ dày, tỳ vị hư nhược.
  3. Cách dùng thuốc theo sách của GS Đỗ tất Lợi: Viên Nha đảm tử 5mg: Trẻ em 1 tuổi: ngày 2 - 4 viên. Trẻ 2 tuổi: ngày 3 - 6 viên. Trẻ 3 tuổi: ngày 4 - 8 viên. Trẻ 4 tuổi: ngày 5 - 10 viên. Trẻ trên 4 tuổi dùng viên Nha đảm tử 20 mg, mỗi ngày 5 - 10 viên. Có thể uống 15 - 20 viên chia nhiều lần uống, mỗi lần 1 - 2 viên.